Sài Gòn - Nhịp Sống Bình Dân

Tiệm Mọt Tại Úc

Sài Gòn - Nhịp Sống Bình Dân

Regular price $16.00
Unit price  per 
Shipping calculated at checkout.

SÁCH CÓ SẴN, giao hàng trong 2-4 NGÀY

Sài Gòn - Nhịp Sống Bình Dân
Thêm một cuốn sách về Sài Gòn, lần này là của một tác giả không hề xa lạ với người đọc, một người nổi tiếng: nhà thơ Trần Tiến Dũng. Thơ ông gần đây cũng chất chứa dằn vặt nhiều sự tình, hình ảnh của Sài Gòn. Dùng cả thơ lẫn văn xuôi lẫn báo chí để “chuyển tải” Sài Gòn, bằng những chuyến xe ngày đêm không mệt mỏi, chắc chắn Trần Tiến Dũng có ý muốn tát cạn Sài Gòn cho riêng mình. Và dĩ nhiên tác giả biết rõ Sài Gòn là một hiện thực to lớn. Cuốn sách thực chất là tập hợp những bài viết nhỏ như những mảnh kim loại châu tuần quanh khối nam châm Sài Gòn. Chiếm lĩnh những trang sách là dòng chảy thân thương của đời sống mà tác giả gọi là nhịp sống bình dân – cái nhịp điệu mà vô thức hay ý thức tác giả đã chọn để hòa cùng vừa với tư cách một cư dân vô danh, vừa với tư cách một nghệ sĩ, một trí thức. Người đọc sẽ nhận ra có rất nhiều sắc thái tình cảm đi kèm với mỗi bài viết dành cho Sài Gòn trong cuốn sách này. Ai cũng biết Sài Gòn là một thành phố lớn, hiện đại bậc nhất của Việt Nam. Nhưng nếu chỉ biết vậy, thì cũng như thấy một bầu trời đầy sao, thấy một đại dương xa tận chân trời, thấy một tấm địa đồ mờ ảo. Một cái biết vô tư tưởng, vô tâm hồn.
Tôi không đọc nhiều sách của các tác giả khác viết về Sài Gòn nên không biết họ viết như thế nào, nhưng đọc “Sài Gòn, nhịp sống bình dân” của Trần Tiến Dũng tôi thấy ông luôn tuân theo nguyên tắc nắm bắt hiện thực: khi nhìn bao quát, khi nhìn cận cảnh. Đúng như “định nghĩa” của Blaise Pascal trong Pensées: “Một thị trấn, một vùng quê, nhìn từ xa đó là một thị trấn và một vùng quê. Nhưng, khi đến gần, đó là những ngôi nhà, cây cối, ngói, lá, cỏ, kiến, chân của kiến, đến vô cùng. Tất cả điều này được gói trong cái tên vùng quê.”
Bắt chước Pascal, ta có thể nói qua cuốn sách của Trần Tiến Dũng, ta thấy Sài Gòn là một đô thị lớn không chỉ về diện tích mà con về chiều sâu, như chính tác giả viết: “[Sài Gòn có] khả năng dung chứa văn hóa và ý thức mở rộng hài hòa các nguồn văn hóa” hay “Sài Gòn có một trái tim lớn như trái tim của biển…” Nói giản dị, đó là khi tác giả cần đưa ra một nhận định khái quát về Sài Gòn, thấy một Sài Gòn toát ra vẻ phóng khoáng, hồn hậu, thân thiết; thấy ở Sài Gòn một không gian tinh thần thuận lợi để ông hô hấp, ôm ấp, rồi thao thức nghĩ ngợi.
Và khi theo chân tác giả từng bước đi đến gần những cái cụ thể, ta sẽ thấy những ngôi nhà, cây cối, con hẻm, cây cầu, một món ăn, một người làm công, một nhà giáo thanh sạch, một quán cà phê, một cử chỉ, một điệu buồn vui… Đó là những giọt nước chiếu rọi bầu trời chung Sài Gòn. Đó là, từ cái nhìn cận cảnh chăm chú, vô số sắc màu Sài Gòn sinh động làm nên nhịp sống hàng ngày không lẫn vào đâu được dưới bầu trời này. Và tác giả thu hút chúng một cách tự nhiên vào lòng trí, để rồi “thở ra” kể lại cho chúng ta nghe. Chỉ quanh quẩn với bầu trời thì dễ sinh lười biếng trong suy tưởng; nhưng đào xới mãi một vài chi tiết cũng biến mình thành kẻ theo chủ nghĩa hiện thực bò sát. Trần Tiến Dũng giữ được sự cân bằng khi lùi xa và lên cao, khi cúi xuống, cúi xuống thật gần.
Đọc sách là cùng làm một chuyến du lịch bằng tâm tưởng đi vòng quanh Sài Gòn với người hướng dẫn ân cần là Trần Tiến Dũng, lúc này đang tự giảm bớt tâm thức thi sĩ để làm một nhà văn – nhà báo, nghĩa là đặt sự quan sát và ghi nhận chọn lọc cao hơn là đúc kết những hình tượng ẩn nghĩa. Có thể đây là chuyến đi một mạch, nếu ta có thời gian đọc nhanh từ đầu đến cuối, như một tua du lịch ngắn vì sự hấp dẫn mời gọi phía trước không trì hoãn được. Cũng có thể là chuyến đi thong thả, nếu ta có thì giờ để thỉnh thoảng đặt sách xuống hồi nhớ, nắm bắt từng hình ảnh – những hình ảnh rất buồn thảm: cái chết của xích lô máy, những mảnh đời thương hồ và những đứa trẻ con cái thương hồ không có bến bờ tương lai, cái chết của những rạp chiếu bóng cũ, sự lụi tàn của tinh thần hào hiệp, tình trạng mất mát những mảng xanh trong lá phổi Sài Gòn, sự xa vắng rồi biến đi mãi mãi các thương hiệu Việt - xà bông Cô Ba, bột giặt Net, kem đánh răng Hynos, xe hơi La Dalat, sữa Ông Thọ, pin Con Ó
Có khi hiện ra đột ngột một hình tượng khốc liệt: “Một góc lịch sử bị xóa trắng…” Người đọc bất giác gấp sách, nhắm mắt lại, để xem nó có đúng với cách nghĩ về chân lý của Aristotles không, tức có tương ứng (correspond) giữa sự kiện và ý niệm về sự kiện ấy không. Nhưng nếu không tìm ra cho mình “chân lý” đó thì ít nhất người đọc cũng có được cảm giác tác giả đang hoảng hốt, tức giận kêu lên như đang nhìn thấy một thảm họa không thể tránh khỏi; và viết là để ghi nhận những hình ảnh cuối cùng, là nguyện cầu điều tốt đẹp tối thiểu cho chúng.
Nhẹ nhàng lắm là tiếng thở dài lão thực hiền minh: “Thôi thì việc mất đi một diện mạo văn hóa cũng là lẽ thường, rồi đây, một diện mạo khác sẽ lấp đầy để tạo nên một bản sắc văn hóa mới phù hợp với nhịp đi lên của một đô thị lớn.”
Thảng hoặc mới nghe thấy một tiếng reo thầm, một khóe cười: “Sài Gòn còn đó chợ Dân Sinh!” hay “… họ vẫn còn một tài sản lớn khác để sở hữu, đó là tánh người miền Nam thuần hậu…”
Đó là khi người hướng dẫn không giấu được niềm hãnh diện mình là đứa con yêu của một thành phố vĩ đại, hiện đại, giàu truyền thống văn hóa (từ ngữ này nghe quen thành sáo rỗng, nên cần phải hiểu nó theo nghĩa đơn sơ nhất: giàu sự yêu thương, mỹ cảm, văn minh, tiến bộ, đạo lý làm người, cư xử tử tế.
Không chỉ am hiểu địa phương như một tay thổ địa, tác giả còn là một tâm hồn, một người yêu quí cái đẹp và thấy nó đang tàn phai mà không biết cách nào gìn giữ. Thấy một cuộc tàn phai không thể cứu vãn trước thời gian.
Nhưng dù thường không kìm nén những tiếng thở dài, tiếc thương, hờn giận, mỉa mai, tức tối, và ngay cả phẫn nộ, nghĩa là rất nhiều cảm tính, tác giả vẫn giữ cho lý tính sáng tỏ, để hầu như luôn đúng trong các phán xét và phê bình của mình. Ở chỗ này, một lần nữa, tác giả lại giữ được sự cân bằng cần thiết.
Chỉ đến khi đọc đến dòng cuối của cuốn sách này người đọc mới thấy giọng reo vui của tác giả; có vẻ như anh thấy mình đã thở ra dài thườn thượt quá nhiều trên từng trang sách viết về Sài Gòn này, phải đến lúc “hít vào” ít nhiều không khí trong lành:
“Chỉ có rộng mở ý thức và tình cảm với nơi chốn chúng ta sống mới trả chúng ta về được với chính tính cao thượng.”
Và đón nhận vào thịt da và tâm hồn chính mơ ước hay lời nguyện cầu của mình: Thành phố lớn như tác giả gợi ra phải là một trung tâm văn hóa.
Những điều được ghi lại trong sách chẳng có gì lạ lẫm, nếu bạn là người Sài Gòn lâu năm. Vâng, chẳng có gì lạ lẫm, khác thường, nếu không muốn nói chỉ là những điều giản dị, tự nhiên, trong sạch, nhưng giờ nhắc lại ta cảm thấy như nhắc đến một huyền thoại, một thực tại xa vắng, không thật. Có hai lý do, thứ nhất vì những nét đẹp ấy đã và đang phôi pha rồi mất dần theo năm tháng; thứ hai, đó thực sự là điều ta hằng mong tái hiện và trường tồn vì sự hữu ích của nó cho cuộc sống thường ngày.
Đọc cuốn sách này để hiểu chuyện gì đang xảy ra giữa Sài Gòn và môi trường tinh thần chung quanh ta. Về điều này, với tư cách một người đọc bình thường, một người nhập cư vào Sài Gòn gần một phần tư thế kỷ, tôi muốn cám ơn tác giả.
Tác giả đã có một Sài Gòn cho riêng mình trước và trong khi viết cuốn sách nhỏ này. Một nơi để sống, để làm nghệ thuật và để chết. Và đó là hạnh phúc của anh. Một hạnh phúc không dễ có trong thời buổi đổ nát này…


Sài Gòn - Nhịp Sống Bình Dân
Thêm một cuốn sách về Sài Gòn, lần này là của một tác giả không hề xa lạ với người đọc, một người nổi tiếng: nhà thơ Trần Tiến Dũng. Thơ ông gần đây cũng chất chứa dằn vặt nhiều sự tình, hình ảnh của Sài Gòn. Dùng cả thơ lẫn văn xuôi lẫn báo chí để “chuyển tải” Sài Gòn, bằng những chuyến xe ngày đêm không mệt mỏi, chắc chắn Trần Tiến Dũng có ý muốn tát cạn Sài Gòn cho riêng mình. Và dĩ nhiên tác giả biết rõ Sài Gòn là một hiện thực to lớn. C...